Dị vật có thể nằm trong vành tai hoặc trong ống tai của trẻ. Những dị vật được tìm thấy trong vành tai thường ít hơn trong ống tai. Dị vật trong ống tai có thể là bất cứ thứ gì trẻ có thể nhét vào tai mình. Điển hình như:
- Món ăn
- Côn trùng
- Đồ chơi
- Nút, các loại cúc
- Mảnh bút chì màu
- Pin tròn nhỏ.
Lý do trẻ nhét đồ vật vào tai thường là do trẻ tò mò, hay bắt chước những điều trẻ khác. Đôi khi, một đứa trẻ có thể đưa một đồ vật vào tai đứa trẻ khác trong khi chơi. Hay các loại côn trùng cũng có thể bay vào ống tai, gây hại tiềm ẩn. Các bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng cũng ghi nhận rằng trẻ em bị viêm tai ngoài mãn tính có xu hướng nhét mọi thứ vào tai thường xuyên hơn.
Dị vật trong mũi trẻ thường là những vật mềm. Bao gồm khăn giấy, đất sét và các mảnh đồ chơi hoặc cục tẩy. Đôi khi, một dị vật có thể lọt vào mũi trong khi trẻ đang cố gắng ngửi đồ vật đó.
Trẻ em thường nhét các đồ vật trong mũi khi chúng cảm thấy nhàm chán, tò mò hoặc bắt chước những đứa trẻ khác.
Một số dị vật trong tai không có triệu chứng gì đặc biệt để cha mẹ có thể nhận biết được, trong khi đó các đồ vật khác như thức ăn hay côn trùng nếu mắc lâu lại trong tai có thể gây đau tai, ù tai sốt, đỏ hay chảy dịch vàng. Trẻ có thể quấy khóc và sờ vào tai nhiều hơn.
Thính giác có thể bị ảnh hưởng nếu dị vật chặn ngay vị trí ống tại. Lưu ý đến tai trẻ khi trẻ nói với bạn rằng mọi âm thanh bé nghe được không giống như bình thường.
Nếu có dị vật mắc kẹt trong mũi trẻ sẽ có một vài biểu hiện sau:
- Chảy nước mũi liên tục nhưng chỉ một bên, dịch thường có mùi hôi.
- Chảy máu mũi
- Đau tại mũi hoặc đau quanh mũi
- Phàn nàn về một mùi lạ trong khi không ai khác có thể ngửi thấy bất cứ mùi gì
- Có tiếng huýt sáo khi trẻ thở bằng mũi
- Hoặc trẻ khó thở.
Một dị vật không được phát hiện và không di chuyển có thể gây đau cho trẻ và lâu ngày có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Dị vật trong tai lâu ngày gây nhiễm trùng nghiêm trọng có thể khiến trẻ bị điếc.
Dị vật tại mũi có rơi vào ngách mũi sau hay di chuyển sâu hơn vào khí quản của trẻ gây khó thở, hoặc nghiêm trọng hơn trẻ có thể hít dị vật từ mũi vào phổi của mình nếu dị vật quá nhỏ.
Đặc biệt nếu trẻ nhét pin, cúc áo, hạt kim sa vào mũi hoặc tai có thể gây thương tích nghiêm trọng nếu không được phát hiện kịp thời.
- Bước 1 : Việc đầu tiên cha mẹ cần làm khi phát hiện di vật trong tai hoặc mũi của trẻ là cha mẹ phải bình tĩnh và tìm cách trấn an trẻ, tuyệt đối đừng quát nạt trẻ sẽ khiến trẻ khóc vô tình tạo điều kiện để dị vật đi sâu hơn. Cũng đừng cố gắng lấy dị vật ra trừ khi nó nằm ngay trên bề mặt và rất dễ lấy.
- Bước 2 : Tiếp theo nhận định sơ qua tình trạng của trẻ, yêu cầu trẻ cho bạn biết trẻ vừa nhét thứ gì vào mũi hoặc tai nếu trẻ có thể. Hầu hết các dị vật không gây nghiêm trọng ngay lập tức, nhưng nếu đó là pin cúc áo hoặc bất cứ thứ gì có chứa hóa chất độc hại, hãy đến gặp bác sĩ ngay. Chúng có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng trong vài giờ nếu không được loại bỏ.
- Bước 3 : Kiểm tra trực quan sự tắc nghẽn tại mũi hoặc tai của trẻ bằng cách để trẻ nằm im hoặc ngồi ngang tầm mắt bạn, sử dụng đèn pin để quan sát. Xác định vật thể đó là gì và ở vị trí nông hay sâu. Nếu nó ngay phía ngoài; không phải là pin đồ chơi, kim loại hay côn trùng và trẻ hợp tác bạn có thể thực hiện những động tác sau:
+ Dị vật trong tai : Nghiêng đầu trẻ về bên tai có dị vật, lắc nhẹ kết hợp dùng tay kéo nhẹ vành tai để dị vật rơi ra. Nếu dị vật không rơi ra ngoài , bạn có thể dùng nhíp gắp ra nhưng với điều kiện bạn nhìn thấy nó và dị vật đủ gần để bạn có thể gắp nó bằng nhíp cùn ra mà không đẩy nó vào sâu hơn.
Nếu dị vật là côn trùng còn sống, bạn nên soi đèn pin để chúng thấy ánh sáng và bò ra ngoài. Nhưng nếu chúng không chịu chui ra bạn có thể nhỏ vài giọt nước muối và cho trẻ nằm nghiêng về bên đối diện để côn trùng tự chui ra.
+ Dị vật trong mũi : trước tiên yêu cầu trẻ lấy hơi thật sâu từ miệng sau đó bạn dùng ngón tay đè bên mũi không đau rồi yêu cầu trẻ xì mạnh.
Nếu trẻ không hợp tác hoặc dị vật ở quá sâu thì ngay lập tức đưa trẻ đến gặp bác sĩ để lấy dị vật.
Việc đầu tiên bác sĩ làm là sẽ soi tai mũi họng cho trẻ để xem dị vật đã vào sâu đến đâu và dị vật đó là gì. Sau đó bác sĩ sẽ kiểm tra toàn trạng của trẻ để đưa ra phương án tối ưu nhất.
Bác sĩ có thể dùng nhíp chuyên dụng hoặc máy hút để hút dị vật ra. Nếu dị vật là côn trùng bác sĩ sẽ bơm một ít dầu khoáng vào khiến côn trùng bị chết ngộp sau đó dùng nhíp gắp ra. Nếu dị vật là kim loại bác sĩ có thể dùng nam châm để hút chúng ra.
Sau khi gắp được dị vật ra bác sĩ sẽ kiểm tra lại một lần nữa để đảm bảo không bị sót bất kỳ dị vật nào và có thể kê đơn thuốc nhỏ tai mũi hoặc thuốc mỡ kháng sinh cho trẻ dùng để tránh nhiễm trùng.
Việc con bạn đưa dị vật vào mũi hay tai là điều không tránh khỏ đối với những bé trong độ tuổi từ 1-5 tuổi. Vì vậy, để hạn chế việc đó bạn hãy lưu ý những vấn đề sau:
- Lựa chọn đồ chơi phù hợp theo lứa tuổi.
- Giám sát trẻ chặt chẽ nhất bạn có thể.
- Dạy trẻ không được cho bất cứ thứ gì vào mũi hay tai
- Giữ những vật nhỏ bé ra khỏi tầm tay trẻ
- Các loại đồ chơi có pin vị trí lắp pin nên được cố định chắc chắn.
- Hỏi han và quan tâm đến bé khi bé đi học hay đi chơi về
- Không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào về sức khỏe của trẻ mà trẻ nói cho bạn biết.